Các hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tập thể ngày càng được khuyến khích, nhất là các hộ quy mô nhỏ. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 7/2021 thông qua phỏng vấn 45 hộ nuôi tôm – lúa bao gồm 25 hộ thuộc kinh tế tập thể và 20 hộ riêng lẻ tại tỉnh Sóc Trăng nhằm đánh giá hiệu quả tài chính của các mô hình. Kết quả nghiên cứu cho thấy quy mô nuôi của các hộ kinh tế tập thể lớn hơn, thả nuôi tôm mật độ thấp hơn nhưng thu được năng suất cao hơn so với các hộ nuôi riêng lẻ (năng suất tương ứng là 591,5 kg tôm và 6,36 tấn lúa/ha/vụ so với 385,1 kg tôm và 4,23 tấn lúa/ha/vụ). Các chỉ tiêu về chi phí không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê nhưng các chỉ tiêu về hiệu quả tài chính của các hộ thuộc kinh tế tập thể cao hơn có ý nghĩa thống kê so với hộ nuôi riêng lẻ (lợi nhuận đạt 45,9 triệu đồng cho tôm và 54,1 triệu đồng/ha/vụ cho lúa, cao hơn gấp đôi so với hộ nuôi riêng lẻ). Các tổ chức kinh tế tập thể nuôi tôm có vai trò quan trọng trong việc tập hợp sản xuất thông qua các hợp đồng đầu vào, hỗ trợ kĩ thuật, các chính sách ưu đãi về vốn và góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nông hộ.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên