Vĩnh Long là chiếc nôi của các làng nghề sản xuất dưa cải từ hơn 30 năm qua, tập trung nhiều ở các xã Đông Bình, xã Thuận An (thị xã Bình Minh) và đặc biệt là xã Tân Lược (nay thuộc huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long). Trong những năm 1990-2000, có đến hàng trăm hộ sản xuất dưa cải ở các làng nghề này và đã cung cấp sản phẩm cho toàn đồng bằng sông Cửu Long và cả thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế xã hội ngày càng mạnh mẽ ở thế kỷ 21, với các yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe cùng với sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động đến sự thu hẹp và mất dần làng nghề truyền thống này. Hơn thế nữa, quy trình chế biến dưa cải tại làng nghề chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chất lượng và điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất chưa được kiểm soát, đồng thời sản phẩm vẫn chưa được đa số người tiêu thụ khó tính chấp nhận. Sản phẩm hoàn toàn không được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, việc bảo quản sản phẩm không được quan tâm. Vì vậy, cần thiết phải xem xét kỹ các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng dưa cải để từ đó xây dựng quy trình thích hợp, tạo được sản phẩm với chất lượng đồng đều và thời gian bảo quản sản phẩm dài. Đây chính là nền tảng cho dòng sản phẩm muối chua này có thể tiếp cận được thị trường tiêu thụ chất lượng cao và là cơ sở cho việc đa dạng hóa các sản phẩm muối chua từ các loại rau quả khác, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và giúp làng nghề không chỉ duy trì sản xuất ổn định mà có thể cạnh tranh vào các thị trường chất lượng cao như siêu thị hay đáp ứng yêu cầu xuất khẩu trong tương lai gần.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên