Nghiên cứu được thực hiện nhằm phát triển du lịch sinh thái bền vững tại khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, tỉnh An Giang. Để có cái nhìn tổng quan về hiện trạng kinh tế - xã hội của địa phương, đã phỏng vấn 60 hộ dân, đại diện Ban quản lý rừng Trà Sư và 8 công ty du lịch lữ hành. Các thông tin ghi nhận được phân tích bằng công cụ SWOT để xây dựng kế hoạch mở rộng và phát triển du lịch sinh thái bền vững dựa vào nguồn tài nguyên môi trường và văn hóa bản địa cho rừng Trà Sư. Kết quả ghi nhận rừng Trà Sư có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái dựa trên lợi thế sinh cảnh rừng tràm và hệ động - thực vật đa dạng của vùng đất ngập nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cộng đồng dân cư bản địa sẵn sàng tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch thông qua đóng góp nguồn lực lao động, tạo ra sản phẩm du lịch truyền thống địa phương, tuy nhiên cần tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức và hiểu biết về các hoạt động, mục tiêu phát triển du lịch sinh thái. Từ kết quả phân tích SWOT, căn cứ vào các yếu tố tài nguyên môi trường, văn hóa, xã hội của khu vực, nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch sinh thái bền vững ở rừng Trà Sư.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên