An Giang là một trong các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng lúa hàng đầu, đồng thời là vựa lúa của cả nước. ở An Giang, mùa lũ thường bắt đầu từ tháng 7, kết thúc tháng 11 và đã có khoảng gần 70% diện tích đất bị ngập nước từ 1 - 3,5 m. Thời gian lũ thường kéo dài từ 3 tháng đến 4 tháng. Để hạn chế thiệt hại từ ảnh hưởng của lũ lụt, theo xu thế phát triển của xã hội, các công trình đê bao đã dần hình thành. Tính đến năm 2010, An Giang đã có hơn 574 tiểu vùng đê bao, bảo vệ khoảng 203.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong vùng đê bao thâm canh lúa 3 vụ, năng suất lúa đã giảm, trong khi đó lượng sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu bệnh thường tăng so với vùng không bao đê từ 20 đến 30%. Bên cạnh đó, những diện tích canh tác có đê bao ngăn lũ không còn phù sa bồi đắp nên độ phù nhiêu, màu mỡ của đất bị giảm đáng kể. Do đó, việc nghiên cứu tác động của việc xả lũ đến độ phì của đất và năng suất lúa trong vùng đê bao của tỉnh An Giang nhằm tìm hiểu giá trị hữu dụng của việc xả lũ trong vùng đê bao và cách nhìn nhận của nông dân sau kết quả nghiên cứu đề tài. Đó là việc làm cần thiết nhằm làm cơ sở khoa học để đánh giá hiện trạng dinh dưỡng của đất vùng bao đê trước và sau khi xả lũ và từ đó có thể đưa ra những khuyến cáo bảo vệ bền vững tài nguyên đất cho vùng lũ ở An Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Vì vậy kết quả đề tài "Khảo sát đặc tính hóa học đất vùng đê bao kiểm soát lũ tại tỉnh An Giang" sẽ là lời giải đáp cho vấn đề trên. Qua đó, làm cơ sở để đánh giá chất lượng đất, góp phần phục vụ cho kế hoạch, chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững trong vùng.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên