DRIS (diagnosis and recommendation intergrated system-hệ thống tích hợp chẩn đoán và khuyến cáo) là phương pháp so sánh tỉ số dưỡng chất của cây trồng trên ruộng cần chẩn đoán với tỉ số dưỡng chất tối ưu từ các ruộng cây trồng có năng suất cao (DRIS chuẩn) thông qua kết quả phân tích lá. Hiện nay, trên thế giới có 3 bộ tiêu chuẩn DRIS chuẩn được thiết lập cho mía bao gồm: Beaufils & Sumner (1976), Elwali & Gascho (1984) và Reis (1999). Đề tài được thực hiện nhằm mục tiêu (i) Đánh giá và chọn tìm bộ tiêu chuẩn DRIS phù hợp cho đánh giá trên mía trồng trên đất phù sa Cù Lao Dung - Sóc Trăng (ii) Chẩn đoán tình trạng dinh dưỡng NPK cho cây mía theo kỹ thuật lô khuyết (gồm các nghiệm thức NPK, NP, NK và PK) ở Cù Lao Dung - Sóc Trăng. Bộ tiêu chuẩn DRIS của Elwali & Gascho được đánh giá phù hợp trong chẩn đoán tình trạng dinh dưỡng NPK cho cây mía đường trồng trên đất phù sa Cù Lao Dung. Theo bộ tiêu chuẩn này, nghiệm thức bón đầy đủ NPK với công thức 300 N + 125 P2O5 + 200 K2O kg/ha cho thấy nhu cầu dinh dưỡng NPK của mía được xếp theo thứ tự P> N> K. Bón thiếu N cho thấy có sự mất cân đối NPK trong cây và đưa đến chỉ số N thấp (-15). Bón thiếu K cho thấy chưa biểu hiện sự mất cân đối NPK so với bón đầy đủ NPK và chỉ số K gần với mức cân bằng (-1,05). Bón thiếu P, cũng chưa biểu hiện sự mất cân đối NPK so với bón đầy đủ NPK (13,23 và 11,32), và chỉ số P gần với bón đầy đủ NPK (-6,61 và -5,66). Cần tiếp tục đánh giá việc sử dụng bộ tiêu chuẩn DRIS trong chẩn đoán tình trạng dinh dưỡng của mía trồng trên một số biểu loại đất khác, cũng như sử dụng bộ tiêu chuẩn DRIS trong chẩn đoán cho các nguyên tố trung, vi lượng cho cây mía ở một số vùng.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên