Chế biến mứt đông là một trong các biện pháp bảo tồn chất lượng của trái cây. Hầu hết trái cây nhiệt đới có thể được chế biến và bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch với các hoạt động ở quy mô nhỏ. Tiềm năng của loại trái cây bổ dưỡng như mít (Artocarpus heterophyllus) vẫn chưa được khai thác triệt để. Nghiên cứu được tiến hành nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của pectin (nồng độ 0,7-0,9%) và gum arabic (nồng độ 0,9-1,1%); áp suất chân không (450-650 mmHg) và thời gian giữ nhiệt (2,5-4 phút) đến tiến trình chế biến và chất lượng mứt đông. Sữa chua hương vị trái cây dạng khuấy và dạng lớp (FOB) được thực hiện bằng cách bổ sung mứt đông mít ở các tỷ lệ khác nhau (5-20%). Trong sản phẩm này, công nghệ chân không đã chứng minh ưu điểm vượt trội cho tiến trình chế biến để có được mứt đông mang các đặc tính lý hóa tốt về hoạt độ nước, độ Brix và độ nhớt phù hợp để bổ sung vào sữa chua. Phân tích sản phẩm cho thấy hàm lượng vitamin C của mứt khoảng 0,45 mg%, pH 3,9-4 và 53-54oBrix. Các đánh giá cảm quan thực hiện để so sánh các sản phẩm cho thấy mứt đông được chế biến ở điều kiện áp suất chân không cao cho giá trị cảm quan cao về màu sắc, độ sáng, cấu trúc và hương vị. Kết quả cũng cho thấy ứng dụng chân không trong công nghệ nấu mứt đã hạn chế sự biến đổi về màu sắc và tăng khả năng đồng nhất của sản phẩm. Đây cũng là đặc điểm được người tiêu dùng quan tâm và thỏa mãn các tính chất lý hóa của sản phẩm mứt đông bổ sung vào sữa chua trái cây. Sản phẩm đảm bảo an toàn và ổn định trong thời gian lưu trữ. Bổ sung 15% mứt đông mít vào sữa chua dạng khuấy và dạng lớp (FOB) đã cung cấp được các sản phẩm yaourt trái cây có hương thơm mạnh, vị hài hòa, cấu trúc tốt và hạn chế tình trạng tách nước trong sản phẩm theo thời gian tồn trữ.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên