Nghiên cứu này sử dụng nguồn sinh khối bèo tai tượng để tạo phân compốt và thử nghiệm phân ủ để trồng rau muống nhằm góp phần xử lý môi trường và tạo phân bón cho cây trồng. Thí nghiệm ủ phân được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên trong 21 ngày, gồm 3 nghiệm thức với 3 lần lặp lại: (1) 100% bèo tai tượng (C/N=28,2); (2) bèo tai tượng + bùn từ hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT) sinh hoạt của thành phố Cần Thơ (C/N=25); (3) bèo tai tượng + bùn HTXLNT + Tricoderma - ĐHCT (C/N=25). Phân compốt được trộn với đất ở tỷ lệ 1 phân : 3 đất để thử nghiệm trồng rau muống. Kết quả cho thấy thời gian thích hợp cho ủ phân từ bèo tai tượng là khoảng 21 ngày trở lên. Chất lượng phân compốt ở các nghiệm thức có pH, % C, tỷ lệ C/N, kali hữu hiệu đều đạt chất lượng phân theo QCVN 01-189:2019/BNNPTNT. Ẩm độ còn khá cao, dao động từ 46,1-49,4%, nhưng hàm lượng đạm (1,72-1,81% N) và lân hữu hiệu (1,13-1,23% P2O5) thấp hơn QCVN 01-189:2019/BNNPTNT. Phân được ủ từ bèo hay bèo kết hợp bùn HTXLNT sinh hoạt có thể sử dụng trồng rau muống với năng suất thu hoạch lần đầu cao hơn 6,4-8,5 lần so với đối chứng không bón phân. Nghiên cứu chỉ ra tiềm năng sử dụng nguồn sinh khối bèo tai tượng để tạo phân compốt, góp phần xử lý môi trường và tạo phân bón cho cây trồng. Cần phối trộn thêm các loại phế thải khác có hàm lượng N và P cao hơn để nâng cao chất lượng phân bón. Từ khoá: Bèo tai tượng, phân ủ, rau muống, ẩm độ, tỷ lệ C/N, đạm tổng số, lân hữu hiệu.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên