Nghiên cứu nhằm tìm ra ảnh hưởng của mật độ lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng nuôi theo công nghệ biofloc. Nghiên cứu gồm 4 nghiệm thức ở các mật độ khác nhau (i) 100 con/m3 , (ii) 150 con/m3 , (iii) 200 con/m3 , và (iv) 250 con/m3 . Mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần, tôm nuôi có khối lượng ban đầu là 0,61 g, bể nuôi tôm có thể tích 1 m3 , độ mặn 15‰, sử dụng rỉ đường để tạo biofloc, tỷ lệ C : N = 12. Kết quả nghiên cứu cho thấy sau 60 ngày nuôi, mật độ nuôi khác nhau không ảnh hưởng đến các chỉ số nhiệt độ, pH, độ kiềm, nhưng có ảnh hưởng đến các chỉ số TAN và NO2 - , thể tích biofloc dao động từ 6,57 - 13,83 ml/L, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) giữa các nghiệm thức. Tôm ở nghiệm thức mật độ 150 con/m3 có khối lượng 16,07 ± 0,40 g/con và tỉ lệ sống 90,1 ± 1,5 % khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05) so với nghiệm thức mật độ 100 con/m3 , nhưng khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) so với các nghiệm thức còn lại. Năng xuất của tôm thu được ở nghiệm thức 150 con/m3 là 2,06 ± 0,06 kg/m3 khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) so với nghiệm thức 100 con/m3 , nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05) so với 2 nghiệm thức lại. Vì vậy, nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ biofloc ở mật độ 150 con/m3 là tốt nhất.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên