Nghiên cứu được thực hiện trên ao ương cá lóc (Channa striata) giai đoạn 0 đến 30 ngày tuổi nhằm theo dõi sự phát triển của các nhóm sinh vật phù du trong ao ương, đồng thời xác định tính ăn của cá trong giai đoạn này. Thành phần sinh vật phù du trong ao được thu mỗi ngày trong suốt 10 ngày đầu của chu kỳ ương và sau đó 3 ngày/lần cho đến ngày thứ 30. Mẫu cá bột cũng được thu liên tục trong 10 ngày đầu với số lượng 30 cá thể/lần để xác định cỡ miệng và thành phần thức ăn trong ruột cá. Kết quả cho thấy tổng số giống tảo ghi nhận được là 69 giống thuộc 5 ngành bao gồm tảo lục (Chlorophyta), tảo mắt (Euglenophyta), vi khuẩn lam (Cyanobacteria), tảo khuê (Bacillariophyta) và tảo giáp (Dinophyta) với mật độ dao động từ 22.991 – 144.088 cá thể/L. Số loài động vật phù du ghi nhận được là 95 thuộc Protozoa, Rotifera, Cladocera và Copepoda với mật độ dao động trong khoảng 542.524 – 2.104.859 cá thể/m3. Thành phần thức ăn trong ruột cá thay đổi theo thời gian ương với ấu trùng Nauplius và Rotifera ở giai đoạn đầu và dần thay thế bằng Cladocera và Copepoda ở các ngày tiếp theo. Ngoài ra, mảnh vụn hữu cơ cũng xuất hiện với tỉ lệ lớn từ ngày thứ 27. Trong suốt thời gian khảo sát, tảo không được tìm thấy trong ruột cá.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên