Nguồn lợi thủy sản tại tiểu vùng dự án thủy lợi Ô Môn-Xà No và Quản Lộ-Phụng Hiệp ở Bán đảo Cà Mau đã được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2016. Số liệu nguồn lợi thủy sản được thu thập qua 6 đợt tại hiện trường kết hợp với phỏng vấn 240 hộ ngư dân bằng bảng câu hỏi soạn sẵn ở bên trong và bên ngoài hệ thống công trình thủy lợi (HTCTTL) ở hệ sinh thái (HST) nước ngọt và HST nước lợ. Kết quả cho thấy thành phần loài cá, tôm ở vùng nghiên cứu rất đa dạng. Sản lượng cá, tôm khai thác năm 2016 đã bị suy giảm 50-60% so với năm 2012 và sản lượng bên trong HTCTTL thấp hơn bên ngoài HTCTTL ở cả hai HST. Kích cỡ các loài cá, tôm khai thác tương đối nhỏ. Một số loài cá bản địa rất ít khi xuất hiện ở HST nước ngọt như Channa lucius, Notopterus notopterus, Clarias macrocephalus, Clarias batrachus, Morulius chrysophekadion vàToxotes chatareus, tương tự ở HST nước lợ có Arius maculatusvà Otolithoides biauritus. Loài Pterygoplichthys disjunctivus đã thiết lập quần đàn trên nhiều thủy vực gây cạnh tranh, đe dọa tính đa dạng và sự phong phú của các loài cá bản địa. Có nhiều nguyên nhân gây nên sự suy giảm đáng kể NLTS ở vùng nghiên cứu như HTCTTL ngăn chặn đường di cư của các loài thủy sản, nhiều ngư dân sử dụng xiệc điện, thuốc độc, bắt cá bố mẹ và cá con trong mùa sinh sản và môi trường nước ô nhiễm bởi các chất thải từ hoạt động cải tạo ao/đầm nuôi trồng thủy sản ở vùng nghiên cứu. Cần xây dựng mô hình quản lý và bảo tồn nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng ở Bán đảo Cà Mau.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên