Nghiên cứu này tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả sinh kế như là các mong muốn kỳ vọng của nông hộ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nghiên cứu đi sâu tìm hiểu hiện trạng nguồn lực sinh kế của nông hộ theo các hoạt động canh tác chính giữa các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp. 409 nông hộ canh tác lúa-màu, lúa, cây ăn trái, tôm nước lợ, hoa màu, lúa-thủy sản và mía ở 9 tỉnh, bao gồm An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu được khảo sát năm 2013. Trong bối cảnh tổn thương thay đổi rất nhanh chóng do biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển kinh tế xã hội, nông hộ sử dụng các nguồn lực sinh kế của hộ để xây dựng chiến lược ứng phó khác nhau nhằm hướng đến các kết quả sinh kế kỳ vọng của nông hộ.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tài sản sinh kế thấp hơn ở nhóm hộ chuyên canh tôm nước lợ, cây ăn trái và lúa so với chuyên màu và canh tác kết hợp (lúa-thủy sản, lúa-màu). Các hộ chuyên tôm ven biển gặp khó khăn về vốn tự nhiên và xã hội trong khi nhóm canh tác mía và lúa đối mặt với sự suy giảm về vốn tài chính do giá nông sản xuống thấp. Chiến lược đa dạng sinh kế tương quan thuận với chất lượng nhân lực trong khi đa dạng sinh kế nông nghiệp có sự đóng góp tích của hầu hết các nguồn vốn sinh kế. Kết quả sinh kế của nông hộ có sự ảnh hưởng tích cực của các nguồn vốn tài chính, xã hội và vật chất. Chất lượng lao động cũng làm cho hộ đạt kết quả sinh kế tốt hơn; tuy nhiên, suy giảm giá nông sản làm cho hộ đa dạng sinh kế nông nghiệp, canh tác lúa và hoa màu chưa hài lòng với kết quả sinh kế của họ.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên