Trong những năm gần đây, các mô hình nuôi lươn trong ao, trong bể xi măng và bể lót bạt có hoặc không có giá thể phát triển ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh... với diện tích nuôi ngày càng lớn. Trong số các hộ nuôi lươn sử dụng thức ăn tươi (cá tạp nước ngọt, ốc bươu vàng, hến, tép,...), nhiều hộ nuôi sử dụng thức ăn kết hợp thức ăn tươi và công nghiệp cho lươn nuôi. Các nghiên cứu về đặc điểm sinh học sinh sản và sản xuất giống lươn nhân tạo thành công đã một phần cung cấp lươn giống phục vụ nhu cầu nuôi ngày càng tăng cao. Ở ĐBSCL, lươn đã được nghiên cứu sản xuất giống và ương từ bột lên giống (Khánh và ctv., 2007; Hương và ctv., 2008; Khanh & Ngan, 2010). Lươn 5 ngày tuổi được ương bằng trứng nước, từ 20 ngày tuổi sử dụng trùn chỉ và từ 60 ngày tuổi trở lên cho ăn cá xay kết hợp với thức ăn viên (Hiệu, 2015). Hiện nay, một số hộ nuôi đã sử dụng giống lươn nhân tạo và thức ăn công nghiệp dành cho cá chình (44% protein, 8% lipid) hay cá lóc (40% protein) để thay thế dần cá tạp làm thức ăn ương và nuôi lươn. Phát triển thức ăn viên thay thế thức ăn tươi sống là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng quy trình nuôi thương phẩm các loài thủy sản có giá trị. Nghiên cứu khả năng sử dụng thức ăn viên thành công trên một số đối tượng ăn động vật như cá thát lát còm (Hiền & Thùy, 2008; Hiền và ctv., 2014), cá lóc (Hiền và ctv., 2011) đã mở ra hướng phát triển thức ăn viên cho các giai đoạn nuôi thương phẩm lươn đồng.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên