Với sự phát triển lâu đời và ngày càng phổ biến, kỹ thuật nuôi cá tra rất đa dạng và không ngừng được cải tiến để thích ứng với thực tế sản xuất. Giai đoạn 2010-2020, tổng diện tích mặt nước nuôi cá tra luôn duy trì trong khoảng 4.600-7.900 ha/năm, tổng sản lượng nuôi hàng năm dao động trong khoảng 1,4-1,5 triệu tấn. Công nghệ nuôi liên tục được cải thiện và nâng cấp đã đưa năng suất cá tra tăng lên rất nhanh trong giai đoạn 2010-2020, trung bình đạt 230-250 tấn/ha/năm; cá biệt có những mô hình nuôi đạt 800-1.000 tấn/ha/năm (Tổng cục thủy sản, 2021). Loại thức ăn sử dụng, phương pháp cho ăn và quản lý thức ăn cũng thay đổi nhiều tùy theo điều kiện nuôi ở các vùng khác nhau. Trước đây, cá tra chủ yếu được nuôi bằng thức ăn tự chế, nhưng từ năm 1995 trở lại đây, hầu hết cá tra được nuôi bằng thức ăn viên. Mô hình nuôi cá tra thâm canh đã ghi nhận chi phí thức ăn chiếm tỷ lệ cao 76-80,8% khi sử dụng thức ăn viên công nghiệp (Hồng và ctv., 2015). Thức ăn tự chế được sử dụng nuôi cá da trơn từ khi nghề nuôi được phát triển. Từ năm 2004, người nuôi cá tra đã sử dụng thức ăn viên, tuy nhiên, mức độ sử dụng tùy vùng nuôi và mức độ thâm canh, đến năm 2006, 50% hộ nuôi sử dụng thức ăn viên (Hung & Huy, 2006). Năm 2009, hầu hết số hộ nuôi ao đều sử dụng thức ăn viên công nghiệp (97%) (Lam et al., 2009). Điều này cho thấy thức ăn viên ngày càng được áp dụng rộng rãi hơn trong nuôi cá tra.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên