Cá lóc thuộc giống Channa, phân bố ở ĐBSCL, gồm có bốn loài là: cá lóc bông (Channa micropeltes), cá lóc đen hay cá lóc đồng (Channa striata), cá dày (Channa lucius) và cá chành dục (Channa gachua) (Yên và ctv., 1992; Khoa & Hương, 1993; Định và ctv., 2013), trong đó cá lóc bông và cá lóc đồng được phát triển nuôi. Cá lóc bông bắt đầu được nuôi trong lồng bè ở ĐBSCL từ đầu thập niên 1960. Cá lóc đen bắt đầu nuôi từ thập niên 1990 và được nuôi phổ biến đến nay. Cá lóc được nuôi trong ao đất, nuôi lồng bè, nuôi trong bể lót bạt, vèo lưới, mương vườn và ruộng lúa tại các quốc gia Châu Á (Ling, 1997; Sinh & Chung, 2010). Trong tự nhiên, cá lóc là loài ăn động vật, chúng sử dụng nhiều loại thức ăn như rắn, ếch, nhái, cá, tôm, thân mềm, giun đất, côn trùng và ấu trùng côn trùng (Lee & Ng, 1994). Trên thế giới, chưa có nhiều nghiên cứu về dinh dưỡng và thức ăn chế biến cho cá lóc. Vì vậy, để hạn chế sử dụng thức ăn tươi sống (cá tạp), nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng và phát triển công thức thức ăn chế biến phù hợp là cần thiết, góp phần thúc đẩy ngành sản xuất thức ăn công nghiệp và ương nuôi cá lóc bền vững. Các nghiên cứu về dinh dưỡng và thức ăn tập trung vào qui trình chuyển đổi thức ăn chế biến cho cá giống, nhu cầu dinh dưỡng và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá lóc giai đoạn nuôi thương phẩm. Để làm cơ sở phát triển công thức thức ăn, các nghiên cứu về khả năng tiêu hóa, sử dụng nguyên liệu và một số chất bổ sung rất có ý nghĩa về mặt khoa học và thực tế sản xuất. Chương sách này được viết dựa trên nội dung về dinh dưỡng và thức ăn cho cá lóc đen trong quyển sách “ Sinh học, sản xuất giống và nuôi cá lóc (Channa striata)”
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên