Việt quất được trồng làm cây cảnh ở đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) vì thích hợp với khí hậu và điều kiện đất có độ pH 4,5 - 5. Tuy nhiên, phần lớn đất ở ĐBSCL thuộc sa cấu sét và có hàm lượng chất hữu cơ (CHC) thấp, điều này làm đất kém thoáng khí và độ phì kém. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá sử dụng 45-20-20 kg N, P, K cho thí nghiệm trong chậu với đất sét phù sa được phối trộn 10 t CHC/ha. Thí nghiệm được thực hiện tại nhà lưới Trường Đại học Cần Thơ, bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm 4 nghiệm thức: (i) N, P, K; (ii) P, K; (iii) N, K; (iv) N, P với 4 lần lặp lại. Hàm lượng (g/kg) N, P và K trong lá việt quất được xác định theo thứ tự là 15,5; 0,87 và 4,34. Hàm lượng này được đánh giá đạt ở mức đủ theo thang của Hart và cs (2020). Không bón N hoặc P gây ra các hàm lượng này (g/kg) bị giảm dưới ngưỡng, tương ứng với N trong lá là 12,5 và P là 0,57 g/kg. Hơn nữa, đối với nghiệm thức P, K, việc không bón N cũng dẫn đến sự giảm đồng thời hàm lượng (g/kg) của N, P và K trong lá ở mức dưới ngưỡng hàm lượng chuẩn. So với bón đầy đủ NPK, các nghiệm thức khuyết N (nền PK), P (nền NK) và K (nền NP) có lượng hút thu N, P và K trong lá chỉ đạt ở mức theo thứ tự là 37%, 63% và 67%. Việc bón phân N có vai trò điều phối hàm lượng P và K trong cây việt quất. Theo dõi nồng độ N, P và K trong các mô lá là rất quan trọng cho việc chẩn đoán tình trạng cung cấp dưỡng chất từ đất.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên