Mục tiêu của đề tài nhằm khảo sát thực trạng rác thải nhựa và công tác quản lý rác thải nhựa ở xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ nhằm đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả hơn. Đề tài sử dụng phương pháp dã ngoại điều tra, phỏng vấn 40 hộ dân về hiện trạng phát sinh rác thải nhựa và thu mẫu ngẫu nhiên 15 hộ dân tại địa bàn nghiên cứu để xác định lượng rác thải thực tế trong 1 tuần; nghiên cứu kết hợp với mô hình Euler cải tiến để ước tính khối lượng rác thải nhựa phát sinh trong tương lai. Kết quả nghiên cứu đã xác định được thực trạng phát sinh rác thải nhựa chủ yếu là rác sinh hoạt và rác thải trong sản xuất nông nghiệp. Kết quả phỏng vấn cho thấy đa số người dân sử dụng túi nilon của người bán chiếm tỷ lệ 73%, sử dụng túi xách mang theo khi mua sắm chiếm tỷ lệ 12%, sử dụng giỏ đựng thực phẩm chiếm 10% và sử dụng đồ dùng khác khi mua hàng hóa chiếm 5%. Bên cạnh đó, kết quả thu mẫu tại các hộ dân trong 1 tuần cho thấy tỷ lệ rác thải nhựa là chiếm tỷ lệ cao nhất là chai nhựa, dao động từ 87,7-92%; túi nilon chiếm tỷ lệ 4,7-7,1%; ống hút nhựa chiếm tỷ lệ 1,7-4,8%; hộp xốp chiếm tỷ lệ 0,8-1,2%. Lượng rác thải nhựa được các hộ dân thải ra trung bình trong 1 tuần là 3,12 kg/hộ; tương đương với 0,11 kg/người/ngày; Công tác quản lý rác thải nhựa tại địa phương được đặc biệt quan tâm để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên vẫn còn ở quy mô nhỏ. Người dân chưa thực sư ý thức được hết những tác hại của rác thải nhựa nên công tác quản lý rác thải nhựa vẫn còn nhiều khó khăn. Kết quả của nghiên cứu có thể giúp nhà quản lý môi trường thông tin sơ bộ về chất thải nhựa từ đó tiến hành các nghiên cứu sâu rộng để quản lý chất thải nhựa tốt hơn trong tương lai.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên