Nghiên cứu khả năng sử dụng phân tích đồng vị bền cacbon và nitơ để xác định khác biệt giữa tôm sú nuôi không cho ăn thức ăn công nghiệp và tôm sú nuôi cho ăn thức ăn công nghiệp. Tôm không cho ăn thức ăn công nghiệp được thu từ hình thức tôm lúa (n = 3) và tôm rừng (n = 3), trong khi tôm cho ăn thức ăn công nghiệp được thu từ hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến (n = 3) và thâm canh (n = 3). Tôm được chọn thu mẫu là tôm ở gần thời điểm thu hoạch. Thêm vào đó, tôm rừng bán trên thị trường cũng được thu mẫu (n = 3). Sáu loại thức ăn công nghiệp cho tôm của hình thức nuôi quảng canh cải tiến và thâm canh cũng được thu mẫu. Thịt tôm và thức ăn công nghiệp được phân tích để xác định giá trị δ13C và δ15N. Kết quả cho thấy δ13C của tôm nuôi theo hình thức không cho ăn thức ăn công nghiệp dao động từ -24,93‰ đến -22,11‰ (-23,18 ± 1,14‰) và δ15N dao động từ 3,52‰ đến 5,44‰ (4,68 ± 0,76‰). δ13C của tôm nuôi theo hình thức có cho ăn thức ăn công nghiệp dao động từ -21,72‰ đến -20,77‰ (-21,16 ± 2,76‰) và δ15N dao động từ 3,67‰ đến 8,74‰ (7,07 ± 1,83‰). Tôm cho ăn thức ăn công nghiệp có cả δ13C và δ15N đều cao hơn tôm không cho ăn thức ăn công nghiệp. Sáu loại thức ăn công nghiệp cho tôm sú có δ13C dao động từ -21,82 đến -19,83‰ và δ15N dao động từ 3,81‰ đến 6,87‰. Tương quan thuận cả δ13C và δ15N giữa tôm và thức ăn công nghiệp cho tôm được tìm thấy, nhưng các mối tương quan này không có ý nghĩa. Nghiên cứu bước đầu phân biệt được tôm sú không cho ăn thức ăn công nghiệp so với tôm sú cho ăn thức ăn công nghiệp dựa trên giá trị δ13C và δ15N ở tôm sú.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên