Bón phân đạm hóa học nhiều dẫn đến nhiều bất lợi cho môi trường như phát thải khí nhà kính, đất bạc mầu, khả năng giữ nước kém, ảnh hưởng chất lượng nông sản. Để giảm sử dụng phân bón hóa học thì việc tìm những chủng vi sinh vật có khả năng thay thế một phần nguồn phân hóa học là rất cần thiết. Hai mươi hai mẫu đất vùng rễ cây bắp lai tại An Giang được thu thập để phân lập vi khuẩn. Kết quả cho thấy có 57 dòng vi khuẩn đất vùng rễ cây bắp lai được phân lập trên môi trường Burk’s, với đặc điểm hình thái được ghi nhận đa số có màu trắng, độ nổi mô, bìa nguyên, hình que và có khả năng di động. Tất cả các dòng vi khuẩn được sàng lọc qua môi trường pH 5,0, nhưng chỉ có 16 dòng vi khuẩn từ đất vùng rễ có giá trị OD660 lớn hơn 0,5. Mười sáu dòng vi khuẩn đất vùng rễ này đều sở hữu khả năng cố định đạm, hòa tan P-Al, P-Fe, P-Ca và tổng hợp IAA. Trong đó, hai dòng vi khuẩn AGVRB-07 và AGVRB-28 từ 16 dòng vi khuẩn trên có khả năng cố định đạm cao nhất với hàm lượng 98,4-99,5 mg NH4+ L-1. Hàm lượng lân được hòa tan cao nhất từ P-Al, P-Fe, P-Ca lần lượt là 74,1, 98,0, 42,2 mg P L-1, tương ứng với dòng vi khuẩn AGVRB-15, AGVRB-56, và AGVRB-43. Dòng vi khuẩn có khả năng tổng hợp IAA cao nhất là AGVRB-43, với nồng độ 14,8 mg L-1, sau 48 giờ ủ. Đề nghị định danh 5 dòng vi khuẩn đã tuyển chọn và ứng dụng hỗn hợp các dòng vi khuẩn để hỗ trợ sinh trưởng cây bắp lai và cây trồng cạn trong điều kiện nhà lưới và đồng ruộng.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên