Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát sự xâm nhiễm, sự hiện diện của nấm rễ nội cộng sinh (VAM) trong rễ và đất vùng rễ cây mè (Sesamum indicum) được trồng ở hai huyện Ô Môn và Thốt Nốt (Thành phố Cần Thơ), đánh giá khả năng xâm nhiễm và hỗ trợ tăng trưởng của cây bắp (Zea maize L.) và mè được chủng với ba tổ hợp VAM (M1, M2 và M3) trong điều kiện nhà lưới. Các mẫu rễ và đất vùng rễ mè của ba tổ hợp được thu để xác định phần trăm sự xâm nhiễm và sự hiện diện bào tử bằng phương pháp nhuộm rễ với trypan xanh 0,05% và phương pháp rây ướt. Bào tử nấm rễ của ba tổ hợp được chủng cho bắp và mè là 25 bào tử/100g đất khô kiệt. Kết quả khảo sát cho thấy hơn 60% rễ mè có sự xâm nhiễm của VAM. Glomus, Acaulospora, và Entrophospora hiện diện trong các mẫu đất. Kết quả thí nghiệm nhà lưới cho thấy tỉ lệ xâm nhiễm của VAM đối với rễ bắp và mè tăng dần từ 30 đến 45 ngày sau chủng (NSC) (tăng khoảng 3,3 – 61,7%) và đạt trên 80% trừ M1 trên mè. Số lượng bào tử hiện diện trong các nghiệm thức được chủng với các tổ hợp VAM ở giai đoạn thu hoạch tăng gấp mười lần so với giai đoạn ban đầu. Kết quả định danh bào tử VAM hiện diện trong mẫu đất vùng rễ bắp và mè là Glomus và Acaulospora. Khối lượng tươi và khô của trái bắp ở nghiệm thức được chủng với tổ hợp M1 (82,4 g/chậu và 47,2 g/chậu) và khối lượng tươi và khô của trái mè ở nghiệm thức được chủng với M3 (12,7 g/chậu và 9,6 g/chậu) cao và khác biệt có ý nghĩa (p< 0,05) so với các nghiệm thức còn lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy nấm VAM có khả năng hỗ trợ sự tăng trưởng của cây bắp và mè trong điều kiện nhà lưới.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên