Thí nghiệm thay thế bột cá biển (FM) bằng bột đạm thủy phân từ phụ phẩm cá Tra (BTP) được thực hiện trên 24 con heo đực thiến (22,8±1,5 kg/con) giai đoạn tăng trưởng và vỗ béo thuộc nhóm giống heo lai (Yorkshire x Landrace), để đánh giá về tăng trưởng và chất lượng thịt heo. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 4 nghiệm thức (NT) và 6 lần lập lại trong ô chuồng cá thể. Heo ở nghiệm thức đối chứng được cho ăn khẩu phần sử dụng FM bổ sung đạm động vật 100% (BTP0), và khẩu phần thí nghiệm thay thế 100% (BTP100), 75% (BTP75) và 50% (BTP50) đạm thô (CP) từ FM được thay thế bởi CP từ BTP. Các kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về lượng thức ăn ăn vào hàng ngày (ADFI), tuy nhiên có khuynh hướng cải thiện tăng trọng (ADG) của heo được cho ăn khẩu phần BTP100 (820 g/ngày) so với BTP0 (750 g/ngày). Dẫn đến hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) đã được cải thiện ở BTP100 (2,24 và 3,13 kg thức ăn/kg tăng trọng) so với BTP0 (2,30 và 3,23 kg thức ăn/kg tăng trọng) ở giai đoạn tăng trưởng và vỗ béo. Tỷ lệ thịt xẻ thì không bị ảnh hưởng bởi NT, tuy nhiên độ dầy mỡ lưng tăng theo tỷ lệ thay thế BTP trong khẩu phần. Thành phần acid béo chưa bão hòa (EPA, DPA, DHA), hàm lượng béo (EE) trong thịt và các giá trị màu a* (đỏ) trong cơ thăn tăng với mức tăng BTP trong khẩu phần. Như vậy có thể kết luận, thay thế bột cá biển bằng bột đạm thủy phân từ phụ phẩm cá Tra có khuynh hướng cải thiện hệ số chuyển hóa thức ăn, nhưng dẫn đến sự gia tăng độ dầy mỡ lưng và hàm lượng béo của thịt.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên