Nghiên cứu “Đánh giá khả năng xử lý nước thải chăn nuôi bằng lồng quay sinh học yếm khí giá thể rơm” được thực hiện nhằm khảo sát khả năng sử dụng rơm làm giá thể cho lồng quay sinh học (LQSH) yếm khí, đồng thời gia tăng sản lượng khí sinh ra. Thí nghiệm vận hành trên hai mô hình LQSH có cùng thể tích và điều kiện thí nghiệm với giá thể rơm (LQR) và giá thể nhựa (LQN). Kết quả cho thấy ở thời gian tồn lưu nước 32 giờ, lưu lượng nạp nước 0,105 m3/ngày, tổng thể tích khí sinh ra trong 43 ngày vận hành của LQN là 3.009,1 L, của LQR là 3.207,3 L; hiệu quả loại bỏ COD trong nước thải thấp hơn 40%. Khi tăng thời gian tồn lưu nước lên 72 giờ, tải nạp trung bình của LQR tính trên diện tích bề mặt giá thể 0,012 kg BOD/m2*ngày, hiệu quả loại bỏ BOD5 khoảng 55% nhưng hiệu quả loại bỏ COD chỉ đạt 14,53%, tổng thể tích khí sinh ra trong 29 ngày vận hành là 1.893,6 L. Với cùng thời gian lưu nước nhưng LQN có tải nạp tính trên diện tích bề mặt giá thể 0,0096 kg BOD/m2*ngày cho hiệu quả loại bỏ BOD5 và COD khá tốt lần lượt 56,91% và 53,87%, thể tích khí sinh ra trong 29 ngày vận hành là 2.503 L. Sau khi ngưng nạp nước thải, từ ngày thứ 30 đến ngày thứ 43 lồng quay tiếp tục duy trì sinh khí và đạt mức 579,3 L đối với LQR và 456 L đối với LQN. Như vậy rơm có thể sử dụng làm giá thể cho LQSH yếm khí để xử lý nước thải chăn nuôi giúp tăng lượng biogas, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường do đốt rơm trên đồng gây ra.
Tạp chí: Đào tạo giáo viên của Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ: Thành quả, thách thức và định hướng-Tổ chức tại Hội trường 4 Nhà điều hành, Năm 2016
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên