Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định các đặc điểm hình thái phẫu diện và một số tính chất vật lý, hóa học của các nhóm đất canh tác lúa tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Phẫu diện đất được đào và mô tả chi tiết theo phương pháp của FAO (2006). Kết quả cho thấy có 3 loại đất chính là đất phù sa, đất phèn hoạt động và đất phèn tiềm tàng. Nhóm đất phù sa (Molli Salic Gleysols, Hapli Mollic Gleysols) có sa cấu sét, đất giàu chất hữu cơ, nghèo lân (P) tổng số và P dễ tiêu; đất có hàm lượng đạm (N) tổng số, NH4+-N, NO3–-N trung bình; khả năng trao đổi cation (CEC) trong đất dao động từ thấp đến trung bình. Nhóm đất phèn hoạt động có sa cấu sét pha thịt nặng, đốm jarosite xuất hiện ở độ sâu 50 cm (Molli Endo Orthi Thionic Gleysols) tính từ bề mặt đất. Đất rất chua, giàu chất hữu cơ và P tổng số trong đất, nghèo N tổng số, NH4+-N, NO3–-N và P dễ tiêu trong đất. CEC dao động trong khoảng từ thấp đến trung bình. Nhóm đất phèn tiềm tàng sâu (Endo Proto Thionic Gleysols) có sa cấu sét, tầng chứa vật liệu sinh phèn (FeS2) xuất hiện trong vòng 50–100 cm tính từ bề mặt đất. Đất hơi chua (pH 4,89), giàu chất hữu cơ, N tổng số, P tổng số nhưng nghèo P dễ tiêu, CEC dao động ở mức trung bình.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên