Mục tiêu nghiên cứu nhằm: (i) xác định hàm lượng N, P, K có trong các bộ phận của cây lúa; (ii) nhu cầu N, P, K cần để sản xuất lúa ở vụ Đông Xuân và Hè Thu trên đất phèn ở Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL). Mô hình trình diễn 1.000m2 được thực hiện trên đất phèn trong vụ Hè Thu 2015 và Đông Xuân 2015-2016 ở 5 địa điểm khác nhau ở ĐBSCL, bao gồm Phụng Hiệp-tỉnh Hậu Giang, Hòn Đất - tỉnh Kiên Giang, Hồng Dân - tỉnh Bạc Liêu, Long Mỹ - tỉnh Hậu Giang, Tháp Mười - tỉnh Đồng Tháp. Ở mỗi địa điểm, 03 ruộng của nông dân có cùng loại đất được chọn để thực hiện thí nghiệm. Kết quả thí nghiệm cho thấy, hàm lượng N, P và K trung bình của hạt lúa là 1,08% N, 0,44% P2O5, 0,33% K2O và trong rơm là 0,62% N, 0,27% P2O5, 1,67% K2O. Lượng dưỡng chất N, P, K có trong 1 tấn hạt lúa là 10,8 kg N - 4,4 kg P2O5 - 3,3 kg K2O. Để sản xuất ra 1 tấn hạt, trung bình cây lúa sẽ tiêu thụ 17 kg N - 7 kg P2O5 và 20 kg K2O. Trong trường hợp rơm được trả lại đất sau khi thu hoạch,với năng suất lúa ở vụ Hè Thu là 5,0 tấn/ha thì tổng lượng N, P, K lấy đi là 54 kg N - 22 kg P2O5 - 16,5 kg K2O. Với năng suất lúa vụ Đông Xuân đạt 7 tấn/ha thì lượng NPK lấy đi là 75,6 kg N - 30,8 kg P2O5 - 23,1 kg K2O.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên