Mục tiêu của nghiên cứu nhằm: (i) xác định khả năng hấp thu NPK của lúa trên một số biểu loại đất phèn ở ĐBSCL; (ii) xác định nhu cầu phân bón trên cơ sở lượng NPK lấy đi của cây lúa. Thí nghiệm đồng ruộng được thực hiện ở vụ Hè Thu 2015 và Đông Xuân 2015 – 2016 trên 5 địa điểm: Phụng Hiệp, Hòn Đất, Hồng Dân, Long Mỹ, Tháp Mười; ở mỗi địa điểm có 4 nghiệm thức sử dụng kỹ thuật lô khuyết (NPK, PK, NK và NP) với 3 lần lặp lại, diện tích mỗi lô là 25 m2 (5 m x 5 m). Kết quả cho thấy, trong cây lúa hàm lượng N, P2O5 và K2O (%) trong hạt là 1,08, 0,44, 0,33; trong rơm là 0,62, 0,27, 1,67. Các giá trị trung bình này ít biến động giữa các địa điểm và qua các mùa vụ. Để tạo ra 1 tấn hạt, cây lúa cần lấy đi 17 kgN – 7 kgP2O5 và 20 kgK2O. Hàm lượng lân dễ tiêu Bray-2 trong đất của phần lớn các điểm nghiên cứu được đánh giá ở mức thấp. Tuy nhiên, việc bón phân lân vào các loại đất này đã không làm gia tăng năng suất lúa có ý nghĩa. Trường hợp hoàn trả toàn bộ rơm lúa lại cho đất khi thu hoạch, công thức phân bón N-P2O5-K2O (kg/ha) được đề xuất cho các điểm nghiên cứu trong vụ Hè Thu là 80-25-20 và cho vụ Đông Xuân là 100-30-25.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên