Nghiên cứu “Hiện trạng canh tác ớt và một số tính chất hóa học đất trồng ớt của vùng đê bao triệt để của xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang” được thực hiện thông qua khảo sát hiện trạng canh tác ớt và đánh giá một số tính chất hóa học đất trồng ớt tại vùng đê bao triệt để nhằm góp phần khai thác, sử dụng đất hiệu quả và bền vững. Nghiên cứu được thực hiện từ 9/2014 đến 5/2015 tại vùng đê bao triệt để của xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Đề tài được thực hiện thông qua phỏng vấn 40 hộ nông dân trồng ớt và thu mẫu đất trên nền đất trồng ớt. Mẫu đất được thu ở 4 giai đoạn: đầu vụ, khi ớt ra hoa, sau hái trái đợt 1 và cuối vụ. Kết quả cho thấy: Trong vùng đê bao triệt để, vụ ớt chính là vụ Đông Xuân, giống ớt trồng phổ biến là Chánh Phong với mật độ khoảng 40.000 cây/ha, năng suất trung bình 15 – 20 tấn/ha. Đất trồng ớt là chuyên rẫy, lên liếp cao giúp thoát nước. Trồng ớt trong vùng đê bao khó khăn và năng suất thấp hơn so với ngoài đê. Hiện trạng một số tính chất hóa học đất trồng ớt của cùng đê bao triệt để có pHnước trong đất thuộc mức chua ít đến chua vừa dao động từ 6,14 đến 5,48. Chất hữu cơ đầu vụ 1,96%C cuối vụ đạt 2,02%C, được đánh giá từ rất thấp đến thấp. Đạm tổng số với mức thấp với cả 4 giai đoạn, dao động trong khoảng 0,115-0,133%N. Đạm nitrate dao động trung bình đến rất cao với kết quả đầu vụ 19,7mgN/Kg, cuối vụ 75,33 mgN/kg. Lân tổng số thuộc mức giàu cả 4 giai đoạn thu mẫu dao động trong khoảng 0,121-0,125%P2O5. Lân dễ tiêu ở mức cao dao động trong khoảng 56,83-67,64 mgP/kg. K trao đổi dao động từ mức thấp đầu vụ (0,181 meq/100g) đến mức trung bình cuối vụ (0,389 meq/100g).
Từ khóa: An Giang, canh tác ớt, Chợ Mới, đê bao khép kín, một số tính chất hóa học.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên