Thí nghiệm đã được bố trí để đánh giá thành phần hóa học đất và đặc điểm sinh học của Mai Dương (Mimosa pigra L.) tại các khu vực nghiên cứu : 1) Mai Dương, 2) Mai Dương mọc xen lẫn Sậy, 3) Mai Dương mọc xen lẫn cỏ Ống và Năng Ống. Các thông số sinh học của Mai Dương bao gồm mật độ cây, chiều cao cây, đường kính cây, chiều dài rễ, số cành/thân, sinh khối. Kết quả phân tích thành phần hóa học đất cho thấy, khu vực Mai Dương đồng nhất có giá trị EC đất, hàm lượng chất hữu cơ, đạm tổng số và lân tổng số thấp nhất trong khu vực nghiên cứu. Hàm lượng các độc tố trong đất như nhôm trao đổi và sắt tự do của khu vực Mai Dương đồng nhất cũng thấp trong ba khu vực nghiên cứu. Các yếu tố dinh dưỡng ở quần xã Mai Dương mọc xen lẫn cỏ Ống và Năng Ống cao nhất. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy Mai Dương mọc thuần loại có mật độ phân bố cao nhất và sự sinh trưởng của Mai Dương là tốt nhất. Mai Dương mọc xen lẫn cỏ Ống, Năng Ống có mật độ thấp và sinh trưởng kém nhất. Mật độ phân bố và sự sinh trưởng của Mai Dương tại các khu vực nghiên cứu có mối quan hệ chặt chẽ với hàm lượng các yếu tố dinh dưỡng trong đất (chất hữu cơ, N tổng số, P tổng số). Mai Dương có khả năng phát triển trong nhiều khoảng biến động của dinh dưỡng và độc chất cho thấy sự thích nghi rất cao của Mai Dương đối với môi trường đất. Sự cạnh tranh loài với các loài cỏ khác khi mọc xen là yếu tố giới hạn sinh trưởng của Mai Dương.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên