Nhiệt độ và CO2 trong môi trường cao có ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) (TCT). Tỉ lệ trứng nở, tỉ lệ sống ấu trùng đến PL15 cao nhất ở 28℃ và 30℃; và thời gian phát triển phôi ngắn và chiều dài ấu trùng dài hơn ở nhiệt độ cao. Hàm lượng CO2 cao cũng kéo dài thời gian phát triển phôi, làm giảm tỉ lệ nở, tỉ lệ sống và chiều dài ấu trùng. Tôm ấu niên (PL15-60) tăng trưởng nhanh ở nhiệt độ 36-37℃ và 33-34℃, nhưng tỉ lệ sống giảm thấp, hoạt tính các men tiêu hóa và lượng glucose tăng theo nhiệt độ cao; tương tự khi hàm lượng CO2 tăng cao thì tăng trưởng, tỉ lệ sống giảm và lượng glucose tăng nhưng hoạt tính men tiêu hóa giảm. Tôm tiền trưởng thành (PL60-120) nuôi ở nhiệt độ cao phát triển nhanh, khối lượng đạt cao nhất ở nhiệt độ 33-34℃ và thấp nhất ở nhiệt độ 27-28℃; hoạt tính các men tiêu hoá và lượng glucose tăng ở nhiệt độ cao (33-34℃); tỉ lệ sống cao nhất ở điều kiện không kiểm soát nhiệt độ (79,2%), thấp nhất ở nhiệt độ 36-37℃ (2,50%); nhiệt độ 33- 34℃ ảnh hưởng đến sự thay đổi cấu trúc mang tôm so với nhiệt độ thấp. Tôm giai đoạn tiền trưởng thành nuôi ở hàm lượng CO2 cao giảm tăng trưởng, hoạt tính men tiêu hóa bị ức chế, tăng tình trạng căng thẳng (glucose trong máu cao) và tỉ lệ sống tôm thấp (15,8% ở hàm lượng 44,1 mgCO2/L); cấu trúc mang thay đổi về đặc điểm ở hàm lượng CO2 cao. Như vậy, nhiệt độ và CO2 cao tác động xấu đến quá trình tăng trưởng, tỉ lệ nở, tỉ lệ sống và một số chỉ tiêu sinh lý của tôm thẻ chân trắng ở các giai đoạn từ phôi đến tiền trưởng thành.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên