Nghiên cứu nhằm đánh giá tính đa dạng của hệ thực vật bậc cao có mạch tại Khu Bảo tồn Loài – Sinh cảnh Phú Mỹ (KBT Phú Mỹ) thuộc huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Tiến hành khảo sát các loài thực vật bậc cao trên 11 sinh cảnh đặc trưng tại KBT. Kết quả thống kê được, hệ thực vật tại KBT có tổng số 45 loài thuộc 37 chi, 20 họ của 2 ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) và Ngọc Lan (Magnoliophyta). Trong đó, ngành Ngọc Lan (Magnoliophyta) chiếm ưu thế với 43 loài, 35 chi và 18 họ. Họ Hòa thảo (Poaceae), họ Cói (Cyperaceae), họ Đậu (Fabaceae), họ Súng (Nymphaeaceae) có số loài đa dạng nhất. Bên cạnh đó, nghiên cứu đã xác định được dạng cây thân thảo chiếm tỷ lệ cao trong 6 dạng thân chính (21 loài, chiếm 46,67%). Hệ thực vật tại khu vực nghiên cứu có 9 nhóm công dụng với 26 loài và nhóm cây làm thuốc chiếm ưu thế với 23 loài. Đặc biệt, xuất hiện hai loài thực vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 ở mức “sẽ nguy cấp – VU” là Lúa ma (Oryza rufipogon Griff.) và Cà na (Elaeocarpus hygrophilus Kurz). Các loài thực vật phân bố không đồng đều trên các sinh cảnh được khảo sát và Bàng – Năng – Cỏ mồm được xác định là sinh cảnh có số loài thực vật đa dạng nhất. Công tác quản lý tại KBT còn nhiều bất cập, do đó để đảm bảo tính đa dạng sinh học của hệ thực vật, các nhóm giải pháp cần được nâng cao và thực hiện tại KBT bao gồm giải pháp về chính sách pháp luật, khoa học kỹ thuật (đào tạo nguồn nhân lực và cần thiết thực hiện điều tra, đánh giá hệ thực vật hằng năm tại KBT); giải pháp giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức người dân.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên