Vùng ĐBSCL có vai trò quan trọng về kinh tế - xã hội - văn hóa và an ninh quốc phòng của quốc gia. Với lợi thế về vị trí địa lý và môi trường tự nhiên, kinh tế nông nghiệp và dịch vụ sinh thái là thế mạnh của vùng. Trong bối cảnh thay đổi môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội do yếu tố nội sinh và ngoại sinh, chính sách của Chính phủ, cư dân và doanh nghiệp đã và đang trong tiến trình chuyển dịch từ khai thác và kiểm soát tài nguyên thiên nhiên cho mục tiêu sản xuất lương thực, đến sử dụng hiệu quả tài nguyên cho phát triển kinh tế. Từ nay trở đi, quản lý bền vững tài nguyên một cách thích nghi cho sinh kế bền vững của cư dân và sự thịnh vượng chung của vùng là chiến lược mới. Sau 2016, có bước đột phá trong quan điểm chiến lược, cách tiếp cận và giải pháp về chính sách của Chính phủ cho phát triển vùng trong bối cảnh mới.
Thực tiễn quản lý tài nguyên thiên nhiên và sản xuất nông nghiệp ở các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp cũng đồng hành cùng với sự thay đổi về chính sách vĩ mô. Sự chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng xoay trục sang thủy sản – trái cây – lúa gạo và tổ chức liên kết để nâng cấp chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị ngành hàng. Tuy nhiên, sự chuyển dịch sử dụng đất bằng các hệ thống canh tác thích nghi của nông dân có thể giúp cải tiến thu nhập nhưng không thể giúp nông dân giàu thêm như mục tiêu của Chính phủ nếu không phát triển chuỗi giá trị nông sản, thị trường nông sản, công nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, và cơ hội chuyển dịch lao động nông nghiệp. Thực tiễn chứng minh nếu chỉ dựa vào kinh tế nông nghiệp như thời gian qua thì khó cải thiện tổng giá trị sản xuất nội vùng và thu nhập cư dân. Hậu quả là thiếu nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế phát triển kém, di cư ra ngoài vùng tăng lên – tạo ra vòng lẩn quẩn của sự tụt hậu về kinh tế - xã hội. Chuyển dịch kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp và dịch vụ là nền tảng đô thị hóa, công nghiệp và thương mại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Tổ chức sản xuất và kinh doanh các ngành hàng chủ lực có sự chuyển biến theo hướng tích cực nhưng năng lực nông dân và HTX chưa đủ mạnh để liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản. Năm vấn đề quan tâm chính để triển khai hiệu quả chính sách trong thời gian tới là: (1) tăng cường năng lực nông dân, HTX và doanh nghiệp nhỏ tham gia kinh doanh nông nghiêp – nông thôn (chủ thể) để tạo hệ sinh thái kinh doanh nông nghiệp bền vững; (2) phát triển môi trường kinh tế - kỹ thuật cho kinh doanh thuận lợi ở nông thôn (địa bàn); (3) phát triển hạ tầng logistic cấp tiểu vùng và vùng để phát triển thị trường đầu vào và đầu ra; (4) phục hồi môi trường sinh thái tự nhiên bản địa làm nền tảng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và chống chịu tốt với thay đổi bất định ngoại sinh; (5) nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cần quan tâm đến tính ổn định và tính bền vững của lương thực, vốn liên quan đến tính dễ bị tổn thương và năng lực thích nghi với quan hệ cung – cầu bất định của nông dân và nông doanh.
Để vùng ĐBSCL phát triển bền vững trên lộ trình mới, chính sách vĩ mô đã sẳn sàng, vấn đề là tính sẳn sàng và hành động có hiệu quả các bên liên quan khi triển khai chính sách phù hợp với thực tiễn. Đây là tiến trình tiến hóa của chuỗi hành động liên tục từ chiến lược, kế hoạch, triển khai, theo dõi, đánh giá, nhân rộng và phản hồi chính sách.
Tạp chí: Hội nghị khoa học toàn quốc Địa chất công trình - Địa kỹ thuật và Xây dựng phục vụ phát triển bền vững khu vực Miền Trung và Tây Nguyên (ACEA-VIETGEO 2021)
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên