Đề tài được thực hiện nhằm xác định hiệu quả của Chlorate kali (CK) và Mepiquate chloride (MC) lên sự ức chế ra đọt sau khi xử lý ra hoa bằng CK lên sự ra hoa và năng suất nhãn E-Dor tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2021. Những cây nhãn được chọn làm thí nghiệm có độ tuổi 6-7 năm. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 7 nghiệm thức và 3 lặp lại, mỗi đơn vị thí nghiệm một cây. Nghiệm thức của thí nghiệm là nồng độ các hóa chất ức chế sự ra đọt: (1) Đối Chứng (phun nước); (2) KClO3 1.000 ppm; (3) KClO3 1.250 ppm; (4) KClO3 1.500 ppm; (5) MC 100 ppm; (6) MC 200 ppm; (7) MC 300 ppm. Thí nghiệm được thực hiện trong vụ thuận và vụ nghịch, xử lý ra hoa bằng cách tưới KClO3 vào đất xung quanh tán cây với liều lượng 100 g/m đường kính tán, ở thời điểm lá 45 ngày tuổi khi cây có 3 cơi đọt. Hóa chất CK và MC được phun lên lá tại thời điểm 14 và 21 ngày sau khi xử lý CK, mỗi cây phun 10 lít. Kết quả cho thấy khi xử lý CK và MC sau khi xử lý ra hoa bằng KClO3 có ảnh hưởng đến tỷ lệ rụng mầm lá, tỷ lệ phát hoa không phát triển, tỷ lệ đậu quả và năng suất của nhãn E-Dor, nhưng không có ảnh hưởng đến tỷ lệ ra hoa, tỷ lệ rụng quả non, quá trình ra hoa và phẩm chất quả. Xử lý CK hay MC đều có tác dụng làm rụng mầm lá. Xử lý CK 1.250 ppm hay MC 200 ppm cho tỷ lệ đậu quả cao hơn đối chứng vụ thuận là 19% và vụ nghịch 28%, tỷ lệ phát hoa không phát triển so với đối chứng vụ thuận thấp hơn 82% và vụ nghịch 87%, đồng thời làm tăng năng suất cho cây nhãn E-Dor.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên