Mục tiêu nghiên cứu là xác định đặc tính hình thái và hóa học đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm đề xuất mô hình canh tác hợp lý ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Mô tả đặc tính hình thái đất dựa trên bảng so màu Munsell. Thu mẫu đất theo tầng phát sinh đối với sáu phẫu diện đất trồng lúa kém hiệu quả để phân tích đặc tính hóa học đất. Kết quả nghiên cứu cho thấy sáu phẫu diện đất canh tác lúa thuộc đất phèn hoạt động và phèn tiềm tàng xuất hiện sâu. Trong đó, phẫu diện NN-L-01, NN-L-03 và NN-L-04 thuộc phèn hoạt động sâu; các phẫu diện còn lại NN-L-02, NN-L-05 và NN-L-06 thuộc phèn tiềm tàng xuất hiện sâu. pHH2O và pHKCl đất tầng mặt của cả sáu phẫu diện được xác định ở mức rất chua, giá trị pH theo thứ tự nhỏ hơn 4,70 và 3,90. Hàm lượng độc chất Al3+ ở các tầng đất lên đến 3,38 meq Al3+ 100 g-1, trong khi hàm lượng độc chất sắt lên đến 412,8 mg kg-1. Hàm lượng đạm và lân tổng số ở tầng mặt của sáu phẫu diện được đánh giá ở mức thấp. Hàm lượng đạm hữu dụng và lân dễ tiêu tối đa ở tầng mặt được xác định lần lượt là 24,0 mg NO3- kg-1, 58,4 mg NH4+ kg-1, 37,0 mg P kg-1. Hàm lượng lân nhôm, lân sắt và lân canxi trong đất cao lên đến 57,6 mg kg‑1, 99,6 mg kg‑1 và 137,7 mg kg‑1 tương ứng. Hầu hết các phẫu diện có hàm lượng chất hữu cơ ở mức trung bình, ngoại trừ phẫu diện NN-L-05 ở mức cao. Khả năng trao đổi cation của đất ở mức rất thấp. Vùng đất của phẫu diện NN-L-01, NN-L-03 và NN-L-04 cần được thiết kế vườn hợp lý để pyrit không bị oxy hóa khi lên liếp.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên