Nghiên cứu thành phần dinh dưỡng của rong bún (Enteromorphaintestinalis) được thực hiện từ tháng 3/2011 đến tháng 2/2012 ở các ao quảng canh và thủy vực tự nhiên của tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng. Kết quả cho thấy thành phần sinh hóa của rong bún thay đổi theo giai đoạn phát triển, trong đó thành phần dinh dưỡng của rong non và rong trưởng thành tương tự nhau và cả hai có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều so với rong già. Thêm vào đó, thành phần sinh hóa cơ bản và acid amin của rong bún cũng được xác định ở các khoảng độ mặn khác nhau (thấp nhất, trung bình và cao nhất) cho mỗi thủy vực. ở Sóc Trăng, mẫu rong bún được thu ở 3 khoảng độ mặn gồm 1-2 ppt, 5-6 ppt and 10-12 ppt, kết quả cho thấy tỉ lệ tươi/khô của rong bún giảm theo sự tăng độ mặn, ngược lại hàm lượng lipid và tro tăng theo độ mặn, các thành phần khác (protein, xơ và carbohydrates) ít thay đổi. Hàm lượng tổng acid amin của rong thu ở độ mặn 1-2 ppt và 5-6 ppt tương tự nhau và có giá trị cao hơn mẫu rong thu ở độ mặn 10-12 ppt. Đối với mẫu rong bún thu ở Bạc Liêu với bốn khoảng độ mặn: 10-12 ppt; 15-17 ppt, 20-22 ppt và 25-27 ppt, kết quả phân tích biểu thị tỉ lệ tươi/khô, hàm lượng lipid và tro có cùng khuynh hướng với mẫu rong thu ở Sóc Trăng. Tuy nhiên, hàm lượng protein thay đổi khác nhau, giá trị thấp nhất và cao nhất được tìm thấy ở độ mặn 15-17 ppt và 25-27 ppt, nhưng ở khoảng độ mặn 10-12 ppt và 20-22 ppt, rong bún có hàm lượng protein gần như nhau, hàm lượng carbohydrate giảm theo sự tăng độ mặn. Hàm lượng tổng acid amin biểu thị ảnh hưởng giống như protein. Ngoài ra, hàm lượng protein của rong bún có mối tương quan thuận với hàm lượng dinh dưỡng trong thủy vực.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên