Ở nước ta, dưa leo là một loại rau màu có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao, vừa được sử dụng tươi sống vừa là nguyên liệu trong chế biến đồ hộp. Tuy nhiên, sâu bệnh hại đang là vấn đề ảnh hưởng lớn đến năng suất, đặc biệt các mầm bệnh có nguồn gốc từ đất đang ngày càng phổ biến trong môi trường biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón, thuốc hóa học quản lý bệnh hại và chất điều hòa sinh trưởng đã không được quản lý tốt, vượt ngưỡng cho phép, để lại lưu lượng lớn và ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, nghiên cứu đã được thực hiện nhằm tuyển chọn vi khuẩn vùng rễ có khả năng đối kháng mầm bệnh từ đất, khả năng kích thích sinh trưởng của các chủng vi khuẩn có lợi đối với hạt và cây dưa leo. Kết quả cho thấy ba chủng vi khuẩn Pseudomonas HGND-0101; HGND-0301 và HGND-0901 thể hiện trung bình hiệu quả đối kháng khoảng 21,16-37,43% đối với nấm Slerotium rolfsii Sacc., và 15,94-32,63% đối với nấm Fusarium oxysporum. Trong đó, hai chủng HGND-0101 và HGND-0901 thể hiện khả năng kích thích chiều dài rễ (khoảng 68,98-71,05 mm ở ngày 7), chiều cao thân mầm (khoảng 66,75-79,50 mm ở ngày 7) và số rễ phụ (14-16 mm ở ngày 7) của cây dưa leo con trong điều kiện phòng thí nghiệm, chiều cao cây (149,00-155,25 cm ở ngày 41) và số lá dưa leo (21-24 lá ở ngày 41) trong điều kiện nhà lưới. Chủng HGND-0301 chỉ giúp cây dưa leo tăng số lá (đạt 18 lá ở ngày 41) trong điều kiện nhà lưới.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên