Thối gốc do nấm Fusarium oxysporum f.sp. cucumerinum Owen (Foc) trên dưa leo là loại bệnh đang gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Nghiên cứu này nhằm tìm ra loại dịch chiết thực vật có khả năng ức chế sự phát triển của nấm Foc trong điều kiện in vitro và bệnh thối gốc trên dưa leo trong nhà lưới, ảnh hưởng của dịch chiết đến quá trình xâm nhiễm của nấm Foc. Thí nghiệm được tiến hành với hai loại dịch chiết từ cây bình bát nước (Annona glabra L.) cỏ lá xoài (Struchium sparganophorum (L.) O. Ktze.) và kết hợp sử dụng hỗn hợp với ion Zn. Kết quả cho thấy dịch chiết từ cây bình bát nước có khả năng ức chế sự phát triển của khuẩn ty tốt nhất trong điều kiện in vitro và được chọn cho thí nghiệm tiếp theo về khả năng ức chế bệnh thối gốc cây dưa leo trong điều kiện nhà lưới. Dịch chiết bình bát được tưới vào gốc dưa leo 5, 10 và 15 ngày trước khi lây bệnh, đối chứng dương được xử lý bằng thuốc hóa học vào thời điểm 5 ngày sau khi lây bệnh. Huyền phù bào tử nấm Foc với mật số 5x104 bào tử/ml được tưới vào gốc cây dưa leo 25 ngày sau khi gieo. Kết quả sau 9 ngày lây bệnh, đối chứng không xử lý có chỉ số bệnh cao đến 53,13%, trong khi chỉ số bệnh của các nghiệm thức xử lý dịch chiết Bình bát nước hoặc thuốc hóa học đều thấp hơn nhiều, với chỉ số bệnh khoảng 10 - 22%. Quá trình xâm nhiễm của nấm Foc được khảo sát qua các thời điểm cho thấy ở nghiệm thức có xử lý dịch chiết bình bát nước đã ức chế được sợi nấm, ngăn không cho sợi nấm len lỏi sâu vào trong mô cây.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên