Cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, xuất hiện ngày càng nhiều các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong các lĩnh vực cung cấp hàng hóa, dịch vụ như cung cấp điện, nước sinh hoạt; vận chuyển hành khách, hàng hóa ; thuê bao dịch vụ viễn thông… Người tiêu dùng muốn giao kết các hợp đồng này thì phải chấp nhận các điều khoản hợp đồng đã được tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo sẵn. Do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là bên soạn thảo hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung nên để người tiêu dùng có thể sáng suốt trong việc lựa chọn tham gia giao kết hợp đồng liên quan thì người tiêu dùng cần phải được biết trước về nội dung hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Đây hoàn toàn là quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Chính vì thế, quyền được thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã được các nhà làm luật Việt Nam thừa nhận với quy định được đưa ra cả trong luật dân sự và luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, tính khả thi của cơ chế bảo vệ quyền được thông tin này cần được xem xét vì cho đến nay, cơ chế bảo vệ quyền này vẫn nghiêng về biện pháp hành chính là chủ yếu (thể hiện qua các quy định về đăng ký, về cơ quan kiểm soát, về quy định xử phạt vi phạm hành chính); các biện pháp dân sự cơ bản chỉ được ghi nhận ở góc độ luật chung. Ngoài ra, các quy định về công bố công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vẫn chưa có quy định hướng dẫn cụ thể; trừ trường hợp liên quan đến danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Ngay cả đối với các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung liên quan đến danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thì dù có bắt buộc đăng ký nhưng phần lớn các cơ quan có thẩm quyền đăng ký vẫn chưa thực hiện tốt trách nhiệm công bố các hợp đồng này trên trang thông tin điện tử của cơ quan, dẫn đến người tiêu dùng khó có thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin đối với các nội dung hợp đồng mà họ quan tâm. Trong khi đó, việc công khai thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không chỉ đem lại lợi ích trực tiếp đến người tiêu dùng tham gia giao kết hợp đồng mà còn góp phần gián tiếp bảo vệ quyền lợi của họ: Nếu hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được công khai thì người tiêu dùng sẽ có quyền lựa chọn giao kết với đối tác nào tôn trọng quyền của họ hơn ; thêm vào đó, để cạnh tranh với nhau, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải quan tâm hơn đến lợi ích chính đáng của người tiêu dùng khi soạn thảo hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sao cho tương đương hoặc tốt hơn đối tác để thu hút người tiêu dùng giao kết hợp đồng. Chính vì các lý do này, nhà làm luật Việt Nam vẫn cần tiếp tục tìm kiếm các giải pháp có tính khả thi hơn để đảm bảo có hiệu quả quyền được thông tin của người tiêu dùng Việt Nam về nội dung hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Tạp chí: Đối tượng và phạm vi của quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật Việt Nam: Hạn chế và đề xuất" Trong Phan Trung Hiền (chủ biên), Pháp luật về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam, NXB. CTQG, 2020.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên