Ở Việt Nam, đã có nhiều tác giả nghiên cứu về khí sinh học tập trung chủ yếu vào các nguồn nguyên liệu từ chăn nuôi trong điều kiện in vitro đến in vivo để sản xuất khí sinh học (Nguyễn Đức Lượng & Nguyễn Thị Thùy Dương, 2003; Lương Đức Phẩm, 2009; Nguyễn Quang Khải & Nguyễn Gia Lượng, 2010). Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã ứng dụng hàng loạt các mô hình sản xuất khí sinh học với nguyên liệu là phân heo ra ngoài thực tế và được người dân chấp nhận. Tuy nhiên, một thực tế khó khăn khi ứng dụng phân heo làm nguyên liệu nạp ở ĐBSCL là khi tình trạng dịch bệnh, tái đàn hay giảm quy mô sản xuất thì nguồn phân heo bị giảm sút, không đủ cung cấp khí mê-tan cho nông hộ sử dụng. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã khẳng định phối trộn là một biện pháp hữu hiệu để cải thiện hiệu quả sử dụng khí sinh học, đặc biệt khi kết hợp thực vật với phân gia súc hay gia cầm (Phạm Tấn Hùng & Nguyễn Văn Thu, 2010; Plöchl et al., 2008; Pound et al., 1981; Kwietniewska & Tys, 2014; Shinnawi et al., 1989). Do đó, trong điều kiện ĐBSCL, phối trộn là biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn phân heo. Một số tác giả cũng bước đầu nghiên cứu sử dụng rơm để thay thế phân heo ở các mức độ khác nhau và khẳng định thay thế có thể cải thiện số lượng và chất lượng khí mê-tan. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ dừng ở thí nghiệm đánh giá đơn lẻ một yếu tố tác động đến quá trình sinh khí trong điều kiện in vitro hay in vivo. Vì vậy, nghiên cứu các tỷ lệ phối trộn giữa rơm và phân heo đã được thực hiện nhằm tìm tỷ lệ phối trộn tốt nhất trong điều kiện ủ yếm khí theo mẻ, sử dụng kết quả cho ủ yếm khí bán liên tục và thử nghiệm trên mô hình túi ủ PE nhằm đánh giá khả năng thay thế nguyên liệu nạp trong điều kiện thiếu hụt nguồn phân heo.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên