Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một vùng sản xuất lúa trọng điểm của Việt Nam, với diện tích chỉ chiếm 12,1% diện tích của cả nước, nhưng sản lượng lúa chiếm khoảng 51,5% và đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Diện tích trồng lúa của ĐBSCL đã không ngừng tăng qua các năm, đến năm 2011 diện tích lúa đã đạt khoảng 4 triệu ha với sản lượng 23 triệu tấn (Tổng cục thống kê, 2012). Tương ứng với diện tích canh tác và sản lượng lúa thì lượng rơm thải bỏ hoặc đốt hằng năm ở ĐBSCL là rất lớn (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2010). Ở Châu Á, lượng rơm thải bỏ khoảng 667 triệu tấn/năm (Yoswathana et al., 2010). Hiện nay, hầu hết các nguồn tài nguyên phế thải này chưa được khai thác và sử dụng một cách hiệu quả. Ở một số khu vực, phần lớn rơm được loại bỏ khỏi đồng ruộng bằng cách cày vùi, đốt hoặc được sử dụng để ủ phân (He et al., 2008; Wati et al., 2007; Vlasenko et al., 1997) đây là một sự lãng phí nguồn năng lượng các-bon hữu cơ rất lớn. Đốt rơm trên đồng ruộng gây ô nhiễm lớn và chỉ tái cung cấp một phần các chất dinh dưỡng vô cơ cho đất, nhưng cũng có thể thúc đẩy rửa trôi các chất dinh dưỡng quan trọng từ đất hoặc làm “chai đất”. Cày vùi rơm trực tiếp vào đất sẽ gây hiện tượng bất động dinh dưỡng trong đất hoặc trong quá trình phân hủy sẽ gây ra hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho cây lúa (Nguyễn Thành Hối, 2008). Một số nghiên cứu gần đây đã cho thấy rơm có thể phối trộn với các vật liệu khác để sản xuất khí sinh học (Chandra et al., 2012; Nguyễn Võ Châu Ngân et al., 2012; Nguyễn Văn Thu, 2010), đây là một triển vọng lớn để giải quyết các vấn đề về xử lý phế phẩm trong nông nghiệp đồng thời tái sử dụng năng lượng từ rơm một cách hiệu quả nhất. Vì thế, việc tìm hiểu các phương thức sử dụng nguồn chất hữu cơ từ rơm và ước tính lượng rơm dư thừa trên đồng ruộng sau thu hoạch là điều rất cần thiết để cung cấp thông tin lượng rơm dư thừa có thể tái sử dụng trên đồng ruộng. Việc nghiên cứu để tìm ra giải pháp quản lý hiệu quả lượng rơm dư thừa sau thu hoạch là một vấn đề quan trọng nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên