Nghiên cứu thực hiện trong điều kiện nhà lưới nhằm xác định: (1) thời gian và thể tích nước rửa mặn; (2) khả năng rửa mặn của nước mưa, nước sông, nước máy; (3) khả năng giảm mặn của CaCO3 và KNO3. Ba thí nghiệm được bố trí kế thừa và bố trí theo thiết kế hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 lần lặp lại cho mỗi nghiệm thức. Đất thí nghiệm được lấy từ mô hình tôm - cỏ ở Cà Mau và Bạc Liêu với EC trong đất rất cao 21,33-27,3 mS/cm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thời gian 28-35 ngày với tỷ lệ thể tích nước máy: khối lượng đất là 2,7: 1,0 có hiệu quả cao nhất, làm giảm độ mặn của đất từ 13,7‰ xuống còn 4,2-4,5‰ đạt hiệu suất giảm mặn 65,0-69,7%. Tuy nhiên, tác động rửa mặn có thể đạt cao nhất ở ngày thứ 56 với độ mặn trong đất giảm từ 17,5‰ (tương đương EC 27,3 mS/cm) xuống còn 2,6-2,7‰ (tương đương EC 4,00-4,23 mS/cm). Không có sự khác nhau về hiệu quả rửa mặn giữa nguồn nước máy, nước sông và nước mưa. Sử dụng CaCO3 và KNO3 có khả năng giảm tương ứng 51,0% và 47,8% độ mặn trong đất sau 42 ngày thí nghiệm. Theo điều kiện thực tế ở đất nghiên cứu, để tiết kiệm thời gian rửa mặn và đạt hiệu quả trong mô hình tôm - cỏ thì nên ngâm đất rửa mặn khoảng 1-2 tháng kết hợp với bón CaCO3 và sau đó xả nước ra khỏi ruộng thì có thể trồng một số giống lúa chịu mặn trên nền ruộng.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên