Đánh giá chất lượng nước mặt đoạn kênh Búng Xáng, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ để có cách quản lý phù hợp. Việc thu mẫu được triển khai tại 6 vị trí trên đoạn kênh lúc triều cường và triều kiệt và đánh giá 7 thông số chất lượng nước bao gồm pH, hàm lượng oxy hòa tan (DO), nhu cầu oxy hóa học (COD), đạm amoni (N-NH4+), đạm nitrate (N-NO3-), đạm nitrite (N-NO2-) và phosphat (P-PO43-). Chất lượng nước được so sánh với QCVN 08-MT: 2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt cột B1 chất lượng nước tưới tiêu, thủy lợi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, giá trị pH dao động từ 7,0-7,9 nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 08-MT: 2015/BTNMT. Hàm lượng COD trung bình 41,83-56,07 mg/L, vượt 1,37- 1,87 lần; N-NH4+ 4,51-9,14 mg/L vượt 5,01-10,16 lần; P-PO43-0,42-0,72 mg/L vượt 1,4-2,4 lần; DO đều thấp hơn mức quy định ngoại trừ thời điểm nước lớn ở chế độ triều kém và N-NO2- bằng với giới hạn cho phép của QCVN 08-MT: 2015/BTNMT. Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là từ hoạt động sinh hoạt và kinh doanh của người dân sinh sống dọc theo đoạn kênh. Chất lượng nước mặt đoạn kênh Búng Xáng bị ô nhiễm nghiêm trọng, do đó, cần phải có biện pháp xử lý chất lượng nước và nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên