Mục tiêu của nghiên cứu là (i) Xác định chênh lệch năng suất dứa giữa các nông hộ; (ii) Đánh giá ảnh hưởng của bón phân NPKCaMg đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng trái dứa. Thí nghiệm nông hộ được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 3 lặp lại tương ứng 3 vườn dứa tại thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Các nghiệm thức ở mỗi hộ gồm: (i) Không bón phân; (ii) Bón đầy đủ N, P, K, Ca và Mg; (iii) Bón P, K, Ca và Mg; (iv) Bón N, K, Ca và Mg; (v) Bón N, P, Ca và Mg; (vi) Bón N, P, K và Mg; (vii) Bón N, P, K và Ca; (viii) FFP: Bón phân theo nông dân. Kết quả cho thấy năng suất chênh lệch giữa các hộ nông dân 53,1% đối với nghiệm thức FFP, trong khi đó sử dụng phương pháp bón phân dựa trên quản lý dưỡng chất theo địa điểm chuyên biệt ở nghiệm thức bón đầy đủ N, P, K, Ca và Mg có độ chênh lệch chỉ 20,7%. Sử dụng công thức phân NPKCaMg là 370,3 – 387,3 – 364,9 – 2009,5 và 1035,3 kg/ha, theo thứ tự giúp giảm chênh lệch năng suất dứa trồng trên đất phèn tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Nghiệm thức bón khuyết một trong các dưỡng chất N, P, K, Ca và Mg dẫn đến giảm chiều cao cây dứa, trong khi đó nghiệm thức bón khuyết N, P, K và Ca giảm chiều dài lá D và chiều dài thân. Năng suất dứa ở nghiệm thức bón đầy đủ NPKCaMg đạt 35,2 tấn/ha, cao hơn so với nghiệm thức FFP, với 29,4 tấn/ha, tương ứng với độ Brix 7,88% so với 7,20%. Bón khuyết dưỡng chất N, P và Ca giảm hàm lượng nước trong trái, bón khuyết K giảm độ Brix và hàm lượng vitamin C.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên