Chất thải tái chế là một trong những thành phần quan trọng trong chất thải sinh hoạt ở khu vực đô thị và nông thôn Việt Nam nói chung và tại đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Các hoạt động liên quan đến thu hồi vật liệu tái chế trong chất thải sinh hoạt có thể được xem là phi chính thức nhưng lại có đóng góp rất lớn trong việc chuyển dòng chất thải cho các hoạt động tái chế bên ngoài. Lượng chất thải rắn sinh hoạt của thành phố Cần Thơ khoảng 266.085 tấn/năm thì có khoảng 38.062 tấn/năm vật liệu tái chế được từ chất thải sinh hoạt bao gồm các thành phần như nhựa, cao su, giấy, bìa cứng, kim loại, lon bia, lon sữa,… Các hoạt động phi chính thức này gồm thu hồi và bán phế liệu tại hộ gia đình, tại điểm thu gom, xe kéo, xe ép rác và điểm xử lý cuối cùng có đóng góp không nhỏ trong quá trình hoàn nguyên vật liệu có giá trị từ dòng thải; chiếm 17,88% lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom. Tỷ lệ thu hồi này tương ứng với khối lượng rác tái chế thu hồi hàng ngày là 104,28 tấn/ngày (khoảng 38.062 tấn/năm) tính cho cả thành phố. Với tiềm năng lớn cả về khía cạnh kinh tế và khía cạnh thu hồi và hoàn nguyên vật liệu, hoạt động này cần được chú trọng và quản lý tốt hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động thu hồi vật liệu có giá trị. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững mà còn đóng góp lợi ích không nhỏ cho lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên