Ba mẫu xạ khuẩn có khả năng một số bệnh hại quan trọng trên khoai môn được thu thập và phân lập từ ruộng trồng khoai môn tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long (TTr.BT7), huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp (LV.ĐT1) và huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (CM.AG22) của đồng bằng sông Cửu Long. Trong nghiên cứu này, các mẫu xạ khuẩn trên được định danh dựa vào đặc điểm hình thái của khuẩn lạc nuôi cấy trên các môi trường ISP (International Streptomyces Project) và đặc tính sinh hóa. Ngoài ra, các mẫu xạ khuẩn được định danh dựa trên trình tự gen vùng 16S-rRNA. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 2 chủng TTr.BT7 và LV.ĐT1 cùng có dạng cuống sinh bào tử dạng thẳng và chuỗi bào tử dạng thẳng, bề mặt bào tử của 2 chủng đều dạng trơn; chủng CM.AG22 có cuống sinh bào tử thuộc dạng móc câu, chuỗi bào tử dạng gợn sóng; bề mặt bào tử có dạng có gai. Màu sắc của sợi cơ chất chủng TTr.BT7 và chủng CM.AG22 thuộc phân nhóm màu xám và chủng LV.ĐT1 thuộc phân nhóm màu trắng. Chủng TTr.BT7 và CM.AG22 có khả năng tiết ra sắc tố melanin, còn chủng LV.ĐT1 không tiết ra sắc tố melanin và các chủng xạ khuẩn đều có khả năng tiết enzym protease, lipase, amylase và cellulase. Đồng thời, trình tự đoạn gene 16S-rRNA của các chủng xạ khuẩn thí nghiệm cũng đã được xác định, so sánh với trình tự gene vùng 16S-rDNA của các mẫu sẵn có trên ngân hàng gene (GenBank) và xây dựng sơ đồ phả hệ thể hiện mối tương quan di truyền giữa chúng. Kết quả cho thấy chủng TTr.BT7 là loài Streptomyces avellaneus, chủng LV.ĐT1 là loài S. lavendulae và chủng CM.AG22 là loài S. filipinensis.
Từ khóa: đặc điểm hình thái, đặc điểm sinh hóa, định danh, Streptomyces, xạ khuẩn.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên