Thí nghiệm (TN) được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của tỏi được chế biến ở 2 dạng (bột hoặc ép nước) bổ sung vào thức ăn hoặc nước uống của gà Nòi nuôi thịt giai đoạn 4-14 tuần tuổi với 3 nghiệm thức (NT): Đối chứng (ĐC): gà được nuôi dưỡng bằng thức ăn tự trộn (TACS) không bổ sung bột tỏi hoặc nước ép tỏi; BOT: gà được ăn TACS trộn bột tỏi 2g/kg TA; EP: gà được ăn TACS pha 2ml nước ép tỏi/lít nước uống để đánh giá khả năng sinh trưởng, tỷ lệ nuôi sống và chất lượng thân thịt của gà Nỏi giai đoạn sinh trưởng. Thí nghiệm được thực hiện trên 240 con gà Nòi lúc 4 tuần tuổi bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, 4 lần lặp lại với 20 con/ô chuồng như một đơn vị TN. Kết quả cho thấy gà ở BOT và EP tốt hơn về hệ số chuyển hóa thức ăn và nuôi sống so với những gà ở ĐC. Cụ thể khối lượng cuối của gà cao nhất ở NT EP (1.392,4 g/con), tiếp theo là ở BOT (1.388,5 g/con) và thấp nhất ở ĐC (1361,3 g/con), tuy nhiên không có sự khác biệt đáng kể về mức tăng khối lượng trung bình hàng ngày (TKL) giữa các NT. Lượng thức ăn tiêu thụ (TTTA) của gà ở ĐC (67,53 g/con/ngày), cao hơn BOT (65,36 g/con/ngày) và EP (66,81 g/con/ngày), dẫn đến hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) của gà ở ĐC (3,87kg thức ăn/kg TKL) cao hơn so với gà ở BOT (3,68kg) và EP (3,73kg). Tỷ lệ bệnh và chết ở NT BOT (12,5 và 10%) và EP (10 và 10%) giảm đáng kể so với ĐC (21,2 và 17,5%). Tóm lại, việc bổ sung tỏi dạng bột (BOT) vào thức ăn và dạng nước ép (EP) vào nước uống cho gà Nòi giúp cải thiện hệ FCR so với ĐC và cũng giảm tỷ lệ bệnh và chết. Bổ sung tỏi dạng bột và dạng nước ép chưa thấy có sự khác nhau về hiệu quả sử dụng thức ăn và TKL gà.
Từ khóa: Bột tỏi, nước ép tỏi, gà Nòi, sinh trưởng, tỷ lệ nuôi sống
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên