Mục tiêu của nghiên cứu là tìm ra loại giá thể thích hợp cho sự sinh trưởng và ra hoa của cây cúc Lá Nhám. Thí nghiệm được tiến hành tại Trại Nghiên Cứu và Thực Nghiệm Nông Nghiệp, Khoa Nông Nghiệp và Sinh Học Ứng Dụng, Trường Đại Học Cần Thơ. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm có 7 nghiệm thức là 7 công thức trộn giá thể khác nhau, mỗi nghiệm thức có 8 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại tương ứng 1 chậu. Bảy nghiệm thức bao gồm S1: trấu tươi + phân chuồng + đất (4:1:1), S2: mụn xơ dừa + phân chuồng + đất (4:1:1), S3: tro trấu + phân chuồng + đất (4:1:1), S4: mụn xơ dừa + tro trấu + phân chuồng + đất (2:2:1:1), S5: mụn xơ dừa + trấu tươi + phân chuồng + đất (2:2:1:1), S6: trấu tươi + tro trấu + phân chuồng + đất (2:2:1:1), S7: trấu mục + rơm rạ mục (1:2). Kết quả cho thấy cây được trồng trong chậu với giá thể mụn xơ dừa + tro trấu + phân chuồng + đất (2:2:1:1) sinh trưởng và ra hoa vượt trội hơn so với các nghiệm thức khác, có chiều cao cây (71,5 cm), đường kính thân (0,91 cm), tổng số hoa/chậu (32,3 hoa), đường kính hoa (5,2 cm); kế đến là trồng với giá thể mụn xơ dừa + phân chuồng + đất (4:1:1) có chiều cao cây (70,1 cm), đường kính thân (0,88 cm), tổng số hoa/chậu (25,0 hoa), đường kính hoa (4,9 cm).
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên