Nhu cầu trồng và tiêu thụ nấm rơm ngày càng phát triển ở đồng bằng sông Cửu Long vì giúp tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và cung cấp nấm rơm có giá trị dinh dưỡng cao. Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu xác định cơ chất trồng nấm rơm phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của nấm rơm. Thí nghiệm ngoài trời được thực hiện theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 4 nghiệm thức: NT1: Cơ chất được sử dụng từ giống lúa Đài Thơm 8 canh tác theo phương pháp 3 giảm 3 tăng, NT2: Cơ chất được sử dụng từ giống lúa Đài Thơm 8 canh tác theo phương pháp truyền thống của nông dân, NT3: Cơ chất được sử dụng từ giống lúa Jasmine 85 canh tác theo phương pháp 3 giảm 3 tăng, NT4: Cơ chất được sử dụng từ giống lúa Jasmine 85 canh tác theo phương pháp truyền thống của nông dân. Kết quả thí nghiệm cho thấy thời gian ra quả thể khi sử dụng rơm từ giống Jasmine 85 chậm hơn so với sử dụng rơm từ giống Đài Thơm 8. Trồng nấm rơm trên cơ chất rơm từ giống lúa Đài Thơm 8 và Jasmine 85 đạt chiều dài, chiều rộng, trọng lượng 30 quả thể đầu và năng suất quả thể tương đương nhau. Rơm thu từ ruộng canh tác lúa 3 giảm 3 tăng để trồng nấm rơm cho chiều dài, chiều rộng, trọng lượng 30 quả thể đầu, năng suất quả thể và hiệu suất sinh học cao hơn so với rơm thu từ ruộng canh tác theo truyền thống của nông dân. Hàm lượng đạm trong nấm rơm dao động trong khoảng 4,66 - 5,27%.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên