Thí nghiệm được thực hiện nhằm xác định giống mướp và số lượng gốc ghép mướp có khả năng gia tăng sinh trưởng và năng suất của cây khổ qua điều kiện canh tác ngoài đồng tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, từ tháng 6 - 9/2018. Thí nghiệm bố trí theo thể thức lô phụ gồm 2 nhân tố với 3 lần lặp lại, lô chính là 4 giống mướp làm gốc ghép: (1) địa phương trái dài, (2) địa phương trái ngắn, (3) Đài Loan 01 và (4) Đài Loan 02; lô phụ là số lượng gốc: (1) không ghép - đối chứng, (2) ghép 1 gốc, (3) ghép 2 gốc và (4) ghép 3 gốc. Kết quả cho thấy khổ qua TS247 với tổ hợp ghép giống mướp Đài Loan 01 với số lượng 1 gốc (ghép 1 gốc chính trong vườn ươm) và 2 gốc (ghép 1 gốc chính trong vườn ươm và ghép thêm 1 gốc phụ ngoài đồng) cho năng suất thương phẩm (30,6 - 30,9 tấn/ha, cao hơn không ghép từ 22 - 24%), khối lượng trái thương phẩm (5,3-5,4 kg/cây) và chiều dài thân chính 399 - 411 cm cao hơn có ý nghĩa qua phân tích thống kê so với không ghép. Khổ qua không ghép hay ghép 4 giống mướp với 1 gốc, 2 gốc và 3 gốc trên một cây đều cho kích thước trái và khối lượng trái tương đương nhau. Vậy, trồng khổ qua trong mùa mưa tại huyện Châu Thành, Sóc Trăng có thể sử dụng gốc ghép mướp Đài Loan 01.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên