Ba mẫu xạ khuẩn TTr4, TL8 và TTh15 đã thu thập và phân lập từ đất trồng khoai lang ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho thấy có khả năng ức chế sự phát triển của nấm Fusarium oxysporum (gây bệnh héo vàng cây khoai lang) trong điều kiện in vitro, tuy nhiên các mẫu xạ khuẩn này chưa được định danh. Trong nghiên cứu này, 03 mẫu xạ khuẩn trên được định danh dựa vào đặc điểm hình thái và đặc điểm sinh hoá và trình tự gen vùng 16S-rRNA. Kết quả quan sát hình thái cho thấy cuống sinh bào tử của hai mẫu xạ khuẩn TL8 và TTh15 có dạng mốc câu, trong khi đó cuống sinh bào tử của mẫu TTr4 có dạng thẳng. Hơn nữa, chuỗi bào tử của mẫu TL8 có dạng rợn sóng; nhưng chuỗi bào tử của hai mẫu TTr4 và TTh15 có dạng thẳng; bề mặt bào tử của cả ba mẫu xạ khuẩn đều có dạng trơn. Ngoài ra, quan sát màu sắc của sợi cơ chất cho thấy mẫu TTr4 và TL8 thuộc phân nhóm trắng và mẫu TTH15 thuộc phân nhóm nâu. Thử nghiệm đặc tính sinh hoá cho thấy hai mẫu xạ khuẩn TTr4 và TTh15 đều tiết ra sắc tố melanin, nhưng ngược lại mẫu TL8 không tiết sắc tố melanin. Bên cạnh đó, ba mẫu xạ khuẩn đều có khả năng tiết enzym protease, lipase và amylase. Kết quả so sánh trình tự gene vùng 16S-rDNA của ba mẫu xạ khuẩn trong nghiên cứu này với các trình tự sẵn có trên ngân hàng gene (GenBank) cho thấy rằng mẫu xạ khuẩn TTr4 là loài Streptomyces bacillaris với mức tương đồng là 99%; mẫu xạ khuẩn TL8 là loài Streptomyces lavendulae với mức tương đồng là 99% và mẫu xạ khuẩn TTh15 là loài Streptomyces violaceoruber với mức tương đồng là 99%. Kết quả của nghiên cứu này sẽ làm cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo, góp phần ứng dụng xạ khuẩn vào biện pháp phòng trừ sinh học đối với bệnh héo vàng hại khoai lang.
Từ khóa: Xạ khuẩn, đặc điểm hình thái, đặc điểm sinh hóa, định danh, 16S-rDNA
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên