Khảo sát được tiến hành với 131 hộ nuôi cá lóc trong ao với 3 qui mô gồm qui mô nhỏ (QMN) diện tích 300 - 700 m2/ao có 30 hộ; qui mô vừa (QMV) diện tích 700 - 1.500 m2/ao có 70 hộ và qui mô lớn (QML) diện tích >1.500 - 8.000 m2/ao có 31 hộ tại vùng nuôi cá lóc tập trung ở 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2017. Nghiên cứu nhằm phân tích hiệu quả sản xuất mô hình nuôi cá lóc theo qui mô diện tích nuôi từ đó khuyến cáo qui mô nuôi phát triển bền vững phù hợp với điều kiện thực tế ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Kết quả phân tích cho thấy về khía cạnh kỹ thuật: Mật độ nuôi QMN (55,1 con/m2) cao hơn QMV (51,3 con/m2) và QML (51,9 con/m2); tỷ lệ sống QMN (63,1%) thấp hơn QMV (64,5%) và cao hơn QML (57,5%); năng suất QMN (15,6 kg/m2) thấp hơn QMV (16,2 kg/m2) và QML (16,9 kg/m2). Về khía cạnh hiệu quả kinh tế: Chi phí đầu tư QMN (485,2 ngàn đồng/m2) thấp hơn QMV (502,5 ngàn đồng/m2) và QML (525,6 ngàn đồng/m2); giá thành sản xuất QMN (30,9 ngàn đồng/kg cá) thấp hơn QMV (31 ngàn đồng/kg cá) và QML (31,2 ngàn đồng/kg cá); tỉ suất lợi nhuận QMN (4,3%) cao hơn QMV (1,4%) và thấp hơn QML (5,8%). Chi phí thức ăn chiếm tỉ trọng lớn nhất (78,4-81,8%) trong tổng chi phí ở các qui mô nuôi. Tóm lại, căn cứ vào khía cạnh kỹ thuật, hiệu quả tài chính và điều kiện thực tế về qui mô sản xuất thì QMN phù hợp cho sự phát triển nuôi cá lóc trong ao đất qui mô nông hộ ở ĐBSCL.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên