Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khía cạnh kỹ thuật và tài chính của mô hình nuôi lươn đồng (Monopterus albus) thương phẩm tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang và huyện Vĩnh Thạnh, Thành phố Cần Thơ từ tháng 8-11/2016. Tổng số 60 hộ nuôi lươn được khảo sát bằng phương pháp phỏng vấn. Kết quả cho thấy diện tích trung bình bể nuôi là 33,6±18,8 m2/bể/hộ và độ sâu 0,5±0,1 m. Mật độ thả trung bình 56,1±12,2 con/m2. Lươn được cho ăn bằng cá tạp, ốc và thức ăn viên. Sau 241,3±23,8 ngày nuôi, lươn có khối lượng 231,4±44,3 g/con được thu hoạch với tỉ lệ sống 68,9±13,8%, năng suất 10,7±2,9 kg/m2/vụ và hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR) 3,3±1,2. Tổng chi phí nuôi là 662,2±113,5 ngàn đồng/m2/vụ, tổng doanh thu 1.536,8±467,5 ngàn đồng/m2/vụ, lợi nhuận đạt 874,6±440,3 ngàn đồng/m2/vụ và tỉ suất lợi nhuận là 1,3±0,7 lần. Nhìn chung, mô hình nuôi có lợi nhuận và có thể nhân rộng cho các hộ nuôi trong khu vực ĐBSCL. Kết quả phân tích đa biến và đơn biến cho thấy diện tích bể nuôi và hệ số FCR là quan trọng nhất lần lượt giải thích 19,5% và 16,0% độ biến động của năng suất nuôi (P). Bên cạnh đó, hệ số FCR, giá bán (loại 2) và diện tích bể nuôi quyết định đến sự biến động của lợi nhuận của mô hình nuôi (lần lượt giải thích 37,8%, 9,0% và 7,1% độ biến động) (P). Mô hình nuôi lươn còn gặp nhiều trở ngại về chất lượng con giống, thức ăn và dịch bệnh.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên