Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiện trạng và tiềm năng phát triển mô hình nuôi cá chẽm (Lates calcarifer) trong ao ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 07/2014 đến tháng 12/2014, thông qua khảo sát 74 hộ nuôi cá chẽm trong ao ở tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang bằng bảng câu hỏi được soạn sẵn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nuôi QCCT có diện tích bình quân 1,4 ha/ao, độ sâu 0,8-1,2 m. Cá giống có kích cỡ 5-6 cm/con được thả nuôi với mật độ thả 0,06 con/m2, kết hợp với một số đối tượng thuỷ sản khác. Sau thời gian nuôi từ 7-10 tháng cá đạt kích cỡ 0,6 kg/con, với tỉ lệ sống 48% và năng suất nuôi đạt 0,2 tấn/ha/vụ. Đối với nuôi công nghiệp, mô hình này tập trung ở Bến Tre, Tiền Giang và Sóc Trăng với hình thức công ty hay trang trại lớn. Mật độ thả trung bình 5 con/m2 (dao động 3-6 con/m2). Sau thời gian nuôi 9-15 tháng, cá đạt 0,8-1,0 kg/con được thu hoạch với năng suất trung bình 26 tấn/ha/vụ (dao động 12-31 tấn/ha/vụ).Chi phí đầu tư trong 2 mô hình quảng canh và công nghiệp lần lượt là 27.900 đồng/kg và 58.200 đồng/kg cá, với giá bán cá thương phẩm đạt 48.700 và 52.200 đồng/kg. Mô hình quảng canh có mức đầu tư thấp, lợi nhuận đạt 21.600 đồng/kg cá, trong khi mô hình công nghiệp lỗ 6.200 đồng/kg, tương ứng tỉ suất lợi nhuận lần lượt là 81 và -9% (tỉ lệ hộ nuôi có lãi tương ứng 87 và 35%). So sánh giữa các địa phương, người nuôi cá chẽm tại Bạc Liêu và Trà Vinh thua lỗ nhiều nhất. Ngoài ra các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất và lợi nhuận trong mô hình nuôi thâm canh cũng được phân tích.
Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Lầu 4, Nhà Điều Hành, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: (0292) 3 872 157; Email: tapchidhct@ctu.edu.vn
Chương trình chạy tốt nhất trên trình duyệt IE 9+ & FF 16+, độ phân giải màn hình 1024x768 trở lên